Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • EU sẽ xoá bỏ 85,6% dòng thuế nhập khẩu từ Việt Nam
  • 31/07/2020
 

Cắt giảm thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu và hạn ngạch thuế quan là 2 trong số các cam kết chính của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được Quốc hội phê chuẩn. Ông Hà Duy Tùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) đã có chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Hiệp định EVFTA vừa được Quốc hội phê chuẩn ngày 8/6/2020. Ông có thể nói rõ hơn về các cam kết về thuế của Việt Nam trong hiệp định này?

Ông Hà Duy Tùng.
Ông Hà Duy Tùng.

Ông Hà Duy Tùng: Thực hiện EVFTA,Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU; sau 10 năm là khoảng 99% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU. Đối với số dòng thuế còn lại, Việt Nam sẽ có lộ trình trên 10 năm, hoặc dành ưu đãi cho EU trên cơ sở hạn ngạch thuế quan của WTO.

Theo đó, lộ trình cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với một số nhóm mặt hàng chính của Việt Nam như ôtô sau 9 năm đối với ôtô phân khối lớn; (trên 3.000 cc cho động cơ xăng và trên 2.500 cc cho động cơ diesel) và 10 năm đối với các loại ôtô còn lại; linh kiện, phụ tùng ôtô (tối đa 7 năm); hóa chất (tối đa 7 năm); đồ uống có cồn (tối đa 10 năm); thịt bò (3 năm), thịt lợn đông lạnh (7 năm), thịt gà (10 năm); sữa và sản phẩm sữa (3-5 năm); cá và các sản phẩm cá (3-7 năm); thuốc lá, xì gà (15 năm); máy móc thiết bị (tối đa 7 năm)...

Về xuất khẩu,Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế với hàng hóa xuất khẩu sang EU theo lộ trình lên đến 15 năm, trừ một số nhóm hàng quan trọng như dầu thô, than đá (trừ than để luyện cốc và than cốc)... Cam kết về thuế xuất khẩu trong EVFTA cơ bản tương tự như cam kết của Việt Nam trong CPTPP.

Theo đánh giá của ông, những cam kết thuế quan trong EVFTA sẽ mang tới cơ hội và thách thức nào cho DN Việt?

EU hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam, sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ. Về xuất khẩu, EU là đối tác xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Hoa Kỳ. Khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Thách thức đối với các DN Việt.

Khi EU xóa bỏ thuế nhập khẩu theo cam kết ngay khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ có cơ hội tăng kim ngạch hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực vào thị trường này. Ngược lại, sẽ có một số ngành hàng lại chịu sức ép cạnh tranh lớn hơn như ôtô, dược phẩm, chăn nuôi... Ngoài ra, các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam dù có lợi thế khi EU giảm thuế nhập khẩu, nhưng vẫn phải đáp ứng yêu cầu của EU về an toàn thực phẩm. 

Ông Hà Duy Tùng.

Sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực. Như vậy, có thể thấy EVFTA mang lại  rất nhiều cơ hội cho các DN Việt Nam, đặc biệt là đối với các DN xuất khẩu những mặt hàng chủ lực như thủy sản, dệt may, giày dép, nông sản nhiệt đới…

Cụ thể, đối với thuỷ sản, do chịu thuế cao, nên việc EU xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay hoặc có lộ trình, sẽ tạo điều kiện cho ngành thuỷ sản xuất sang thị trường EU có sức cạnh tranh hơn. Với ngành da giày, mức thuế suất bình quân gia quyền EU áp dụng nhập khẩu từ Việt Nam hiện là 12,4%. Khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với giày dép có đế ngoài bằng cao su, plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp và mũ giày bằng da thuộc có xuất xứ Việt Nam sau 3-7 năm, còn các sản phẩm giày khác sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay.

Tương tự, hiện, mức thuế suất bình quân EU đang áp dụng đối với hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam là 12%. Theo cam kết, EU sẽ xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực đối với hầu hết nguyên vật liệu ngành dệt may và xóa bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình 3-7 năm đối với quần áo thành phẩm các loại. Riêng các sản phẩm nông sản nhiệt đới là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, nhưng hiện lại không phải là mặt hàng được bảo hộ lớn của EU.

Như vậy, với EVFTA, gần như 100% số dòng thuế và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của hai bên sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình tương đối ngắn. Dự kiến các cam kết cắt giảm thuế sẽ bắt đầu được thực hiện từ khi nào? Việc cắt giảm thuế có tác động như thế nào tới thu ngân sách của Việt Nam, thưa ông?

EVFTA đã được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 8/6/2020, còn phía Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn vào ngày12/2/2020 và Hội đồng châu Âu thông qua vào ngày 30/3/2020. Theo quy định, EVFTA sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ 2, sau tháng mà các bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý tương ứng để hiệp định có hiệu lực, hoặc một thời điểm mà hai bên thống nhất với nhau. Do vậy, dự kiến EVFTA sẽ có hiệu lực trong 1-2 hai tháng tới.

Về tác động đối với thu ngân sách, giai đoạn trước khi Việt Nam gia nhập WTO (2001-2006), thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng khoảng 16,7%/năm; từ 2007-2014 có tốc độ tăng khá cao, trung bình hơn 20%/năm, thậm chí có năm tăng 40-47%. Có được kết quả này là nhờ kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh qua các năm và thuế nhập khẩu nói chung và trong các hiệp định thương mại tự do nói riêng đang trong lộ trình giảm dần, chưa xoá bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, sau năm 2015, tỷ trọng thu từ thuế nhập khẩu trên tổng thu NSNN có xu hướng giảm do thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đi vào lộ trình cắt giảm sâu. Nếu năm 2017 chiếm 21,85%/tổng thu NSNN của Tổng cục Hải quan, thì năm 2018 còn 17,4% và đến năm 2019 chỉ còn khoảng 16,7%/tổng thu.

Ngược lại, quy mô thu NSNN nội địa lại tăng nhanh. Tính chung giai đoạn 2001-2010, thu nội địa tăng khoảng 5,1 lần; thu từ dầu thô tăng khoảng 1,3 lần; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng khoảng 2,9 lần. Cơ cấu thu đã thay đổi theo hướng tích cực, tỷ trọng nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng tăng và thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu NSNN. Cụ thể, giai đoạn 2001-2010 bình quân đạt 55,2%, giai đoạn 2016-2018 bình quân đạt 74,8% (trong đó, năm 2018 là 80,6%, dự kiến năm 2020 khoảng 84%). Như vậy, dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đáng lưu ý, việc cắt giảm thuế theo các cam kết FTA chỉ ở thuế nhập khẩu, trong khi thu từ hoạt động xuất nhập khẩu vẫn còn các sắc thuế khác như GTGT, TTĐB… và vẫn được thực hiện theo các quy định hiện hành. Thực tế thì số thu tuyệt đối từ hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tăng qua các năm là do kim ngạch xuất nhập khẩu tăng, mặc dù chúng ta có thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết.

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, thực hiện các chính sách xã hội,  Bộ Tài chính đã và đang thực hiện tái cơ cấu nguồn thu, mở rộng cơ sở thu thuế, tăng thu nội địa theo tinh thần của Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang tiếp tục hoàn thiện thể chế để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, hải quan, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển bền vững.

 Theo : tapchitaichinh.vn
 

Tin tức liên quan